Vì sao nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải?
Nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh đi kèm với những vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp trong đó có tranh chấp thương mại. Với cơ chế quản lý kinh tế mới hiện nay, các chủ thể kinh doanh có quyền tự do, tự chủ trong hoạt động thương mại đồng thời họ cũng có quyền tự do lựa chọn cách giải quyết các vụ việc tranh chấp của doanh nghiệp mình một cách thích hợp. Trong những phương thức giải quyết tranh chấp đó thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết có hiệu quả nhất!
Bài viết này giải đáp những lý do vì sao phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải lại được nhiều doanh nghiệp ưu ái đến thế?
1. Thủ tục của hòa giải thương mại có tính đơn giản, linh hoạt
So với thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hay tòa án thì giải quyết tranh chấp bằng hòa giải đơn giản và linh hoạt hơn rất nhiều. Theo đó, trong quá trình giải quyết, các bên tranh chấp có quyền tự do lựa chọn hòa giải viên thương mại, tự do lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, cũng như địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải. Đặc biệt là khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, các bên có quyền được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải. Ngoài ra, nếu nhận thấy việc hòa giải có thể không đi đến kết quả như mong muốn, các bên có thể yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải để yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật
2. Đảm bảo danh tiếng kinh doanh, uy tín và tiếp cận tín dụng của hai bên tranh chấp
Quy định của pháp luật về hòa giải thương mại có nêu rõ nguyên tắc trong Hòa giải như sau: “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”(Điều 4, Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/ 2017 về hòa giải thương mại). Hay, Hòa giải viên có nghĩa vụ “bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật” ”(Điều 9, Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/ 2017 về hòa giải thương mại).
Như vậy, theo nguyên tắc Hòa giải viên hoàn toàn không được làm lộ bí mật liên quan đến vụ việc hòa giải như là các thông tin của các bên về bí quyết sản xuất, kinh doanh, bí mật quy trình công nghệ hay thậm chí là nội dung tranh chấp…Do đó, việc giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải vừa giúp doanh nghiệp giữ gìn được uy tín và bí quyết kinh doanh của mình, cũng như dễ dàng vay vốn tín dụng khi muốn đầu tư kinh doanh, phát triển hạng mục mới.
3. Tiết kiệm chi phí và thời gian liên quan đến tố tụng
Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải có thể nhanh chóng, hạn chế việc làm gián đoạn quá trình kinh doanh. Trên thực tế, khi các bên lựa chọn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thương mại, các bên sẽ mất khá nhiều thời gian để chờ Tòa án thụ lý hồ sơ vụ án, cũng như thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan. Ngoài ra, hai bên tranh chấp cũng sẽ tốn kha khá chi phí cho luật sư tham gia nghiên cứu và đại diện bảo vệ quyền lợi, án phí cho Tòa khi đã giải quyết xong vụ việc và cả các khoản tiền bồi thường thiệt hại, đền bù tổn thất nếu thua kiện. Hơn nữa, một quyết định bản án có thể chưa phải là kết quả cuối cùng bởi trong tố tụng còn tồn tại các cấp xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm. Chính vì những điều đó, mà các doanh nghiệp thường e ngại khi lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp vì một lần “đi kiện” là một lần gián đoạn công việc kinh doanh và tốn nhiều chi phí tổn thất khác.
Do đó, khi các bên tự thỏa thuận được với nhau một giải pháp hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên thì việc giải quyết tranh chấp thương mại sẽ nhanh gọn, bí mật, ít tốn kém nhất và đảm bảo thi hành một cách dễ dàng, thuận tiện. Như vậy, Nhà nước, xã hội cũng như các bên có tranh chấp sẽ tốn ít thời gian, công sức và tiền bạc nhất.
4. Hậu quả tranh chấp được giảm thiểu
Ngoài những lợi ích kể trên thì phương án giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại còn giúp các bên tranh chấp giảm thiểu được nhiều hậu quả bởi các bên có thể hoàn toàn chủ động trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh. Hay nói cách khác, quyền tự định đoạt của các chủ thể tranh chấp sẽ được đảm bảo một cách tối đa, các chủ thể có thể kiểm soát và định đoạt được toàn bộ quá trình tranh chấp, ý chí của họ không bị ràng buộc bởi tính chất thủ tục nào.
Bên cạnh đó, việc hòa giải không thành không ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc tòa án về sau. Khi việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại không đi đến kết quả hòa giải thành, thì bất kỳ tài liệu hoặc bất kỳ thông tin nào chỉ có thể có được thông qua thủ tục hòa giải đều không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng tại tòa án, trọng tài hoặc các thủ tục tố tụng khác sau này. Các bên không được yêu cầu Hòa giải viên làm nhân chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải hoặc tranh chấp khác phát sinh từ cùng giao dịch đó. Điều đó giúp các bên có thể thể hiện ý kiến, quan điểm hay đưa ra các đề xuất trong thủ tục hòa giải thương mại mà không lo ngại chúng có thể bị sử dụng để chống lại mình trong các thủ tục tố tụng khác.
5. Mang lại những lợi ích và cơ hội lớn trong tương lai
Nếu như trong một vụ án tranh chấp được các bên đưa ra yêu cầu Tòa án hay Trọng tài thương mại giải quyết, việc các bên đối đầu nhau để đưa ra những bằng chứng bất lợi, những thông tin không tốt về bên đối tác trong mối quan hệ kinh doanh đó để chứng minh lỗi của đối phương là điều hiển nhiên. Dù kết quả thế nào thì sau đó, rất ít doanh nghiệp có thể hợp tác lại với nhau như trước đây, thậm chí là bản thân họ tự thu hẹp đi mạng lưới mối quan hệ kinh doanh của mình vì những danh tiếng không tốt sau mỗi “vụ kiện cáo”. Thế nhưng việc giải quyết bằng hòa giải sẽ đưa ra một kết quả khác khả quan hơn. Các bên tranh chấp có thể thỏa thuận với nhau cùng tìm ra giải pháp khắc phục có lợi cho đôi bên, và sau buổi hòa giải vẫn có thể giữ được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.
6. Hòa giải thương mại như là một phương thức tuyên truyền pháp luật và những kiến thức chuyên sâu cho các nhà kinh doanh
Hòa giải còn là một trong những phương thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức cho các nhà kinh doanh . Thực tế không phải nhà kinh doanh nào cũng hiểu rõ và nắm vững pháp luật thương mại. Người thứ ba trung gian hòa giải thường là các luật sư, luật gia hoặc những người có kiến thức về kinh doanh, pháp luật. Họ thường là những cá nhân có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết thông thạo pháp luật, có nhiều kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại. Vì vậy khi là hòa giải viên, các luật sư, luật gia với kiến thức pháp luật của mình sẽ là kênh quan trọng giúp các bên nắm rõ quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp được pháp luật ghi nhận như thế nào…từ đó giúp các bên hiểu rõ được vấn đề dẫn đến việc hòa giải tranh chấp nhanh gọn và đỡ tốn kém.