Luật sư Thái Văn Chung: Nhiều “uẩn khúc” trong vụ án “Buôn lậu” Yến vụn tại Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sân Nhất
Hai vợ chồng “Buôn lậu” gần 100kg “yến vụn” đã bị xử lý mùi và thuốc tẩy để dùng làm nguyên liệu tạt nhà yến nhưng Cơ quan tiến hành tố tụng áp mức giá “yến tổ, yến miếng” để làm thực phẩm làm tăng giá trị lên nhiều lần, gây bất lợi về trách nhiệm hình sự cho hai bị can.
Bị truy tố về tội “Buôn lậu” yến vụn
Ngày 24/11/2023, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Cáo trạng số 644/CT-VKS-P3 truy tố hai bị can Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương về tội “Buôn lậu” theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật dân sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo cáo trạng, lúc 17 giờ ngày 20/4/2019, qua giám sát hành khách nhập cảnh, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục hải quan phát hiện 02 hành khách Phạm Cao Hồng Lễ (SN 1985, ngụ Phú Yên) và Thái Thị Mỷ Phương (NS 1989, ngụ Khánh Hòa) nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN630 từ Jakata- Indonesia về Thành phố Hồ Chí Minh qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có mang theo 7 kiện hành lý đi qua cửa xanh, không khai báo hải quan.
Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành kiểm tra 7 kiện hành lý phát hiện, Phạm Cao Hồng Lễ có 01 kiện hành lý xách tay và 02 kiện hành lý ký gửi có 75,32 kg Yến vụn và Thái Thị Mỷ Phương có 03 kiện hành lý xách tay và 01 kiện hành lý ký gửi Yến vụn, trọng lượng 44,46kg.
Hình ảnh lô yến vụn của bị can Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương mang từ Jakata- Indonesia về Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tại Cơ quan điều tra, Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương khai là vợ chồng làm nghề nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim Yến trong nhà để lấy tổ tại Việt Nam và kinh doanh tự do liên quan đến ngành Yến. Từ năm 2017 vợ chồng Lễ, Phương trung bình mỗi tháng xuất cảnh sang Indonesia, Malaysia để học kỹ thuật nuôi Yến, trong các kỹ thuật đó có việc ủ nước tạo mùi (sử dụng Yến vụn ngâm nước và hóa chất tạo mùi đặc trưng của Yến) tạt vào vách tường để dụ chim Yến về làm tổ và mua một số vật tư (ray nhựa, tổ Yến nhựa giả để Yến kéo sợi định khung tổ…) kinh doanh và thi công nhà Yến.
Đến đầu năm 2019, vợ chồng Lễ, Phương đang thực hiện hướng dẫn kỹ thuật nuôi Yến trong nhà cho 03 hộ dân tại tỉnh Phú Yên. Do thấy Yến vụn rẻ nên mua khoảng 80 kg từ Indonesia về Việt Nam để làm nguyên liệu ngâm, ủ nước tạo mùi trong kỹ thuật nuôi Yến, không có chứng từ mua, chỉ có Giấy chứng nhận kiểm dịch của Indonesia do người bán cấp.
Về nguồn gốc tiền mua Yến, ngày 18/4/2019 Phương sử dụng 150.000.000 đồng tiền Việt Nam, đổi thành tiền đô la Mỹ tại một tiệm vàng ở Phú Yên sau đó mang sang Indonesia, số Yến vụn này Lễ và Phương mua nhiều nơi tại Indonesia như: Jakarta, Surabaya với giá khoảng 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/1kg.
Sau đó, đưa về khách sạn có xịt một ít nước lên Yến vụn để giữ ẩm, tại Indonesia Phương được người bán hàng dẫn đến địa điểm gửi hàng hóa lên máy bay để làm Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của Indonesia, nên số lượng Yến vụn có chênh lệch tăng hơn chút ít so với Giấy chứng nhận. Khi làm thủ tục lên máy bay vì đảm bảo số ký hành lý ký gửi của mỗi vé, nên Lễ đã đứng tên đối với 2 hành lý ký gửi (bên trong có Yến vụn), 1 kiện hành lý xách tay; Phượng đứng tên 1 hành lý ký gửi (bên trong có Yến vụn), 3 hành lý xách tay.
Do nhận thấy số Yến vụn mua tại Indonesia có giá dưới 100.000.000 đồng, nên Lễ và Phương không xin phép bất kỳ cơ quan chức năng quản lý để được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam và cũng không khai báo hải quan để nộp thuế là vi phạm pháp luật.
Kết quả trưng cầu giám định, ngày 17/5/2019, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật có Văn bản số 425 kết luận 04 mẫu hàng hóa được giám định đều là “các miếng và mảnh vụn có nguồn gốc từ chất liệu tổ của một phân loài Yến, được gọi là Yến nhà (được nuôi trong nhà); các mẫu Yến trên không có dấu hiệu hư hỏng nhưng chỉ là các miếng và mảnh vụn của chất liệu tổ chim Yến”
Đây là vụ án “Buôn lậu” do Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương thực hiện. Từ ngày 18/4 đến ngày 20/4/2019, Lễ và Phương xuất cảnh đi Indonesia có mua gom Yến nhiều nơi để đem về Việt Nam, nhưng không xin phép cơ vụn quan chức năng quản lý để được cấp phép nhập khẩu số Yến vụn này vào Việt Nam và không khai báo hải quan để nộp thuế là vi phạm quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020; Thông tư 11/2021/TT-BNN&PTNT ngày 20/9/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ. Trị giá hàng hóa vi phạm là 1.113.230.250 đồng.
Vẫn có nhiều “uẩn khúc”
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã trưng cầu định Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành định giá lô hàng buôn lậu mà hai bị can mang từ Indonesia về Việt Nam vào ngày 20/04/2019 để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Theo đó, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Thành phố Hồ Chí Minh lại căn cứ vào tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp, trong đó Công văn số 864 của Chị cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngày 26/4/2019 cung cấp cho Cơ quan điều tra trong giai đoạn đầu.
Bị can Thái Thị Mỷ Phương thừa nhận: Vào thời điểm tháng 4/2019, các đơn vị nhập khẩu chính thức chưa nhập khẩu loại yến vụn vào Việt Nam nên chưa có đơn giá kê khai với Hải quan trên hệ thống (khoảng tháng 05/2019, các công ty mới bắt đầu nhập khẩu loại yến vụn này vào Việt Nam).
Do vậy, vào thời điểm Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất cung cấp đơn giá theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh là đang áp mức giá 12.795.750 đồng/Kg là giá của loại “yến nguyên tổ, nguyên miếng” chứ không phải là mức giá của yến vụn.
Trên thực tế, mức giá của loại yến vụn này ngay sau thời điểm đó được các doanh nghiệp nhập khẩu yến vụn khai báo nhập khẩu hợp pháp (cùng thời điểm năm 2019, cùng loại, cùng kích thước tương đương kích thước loại yến vụn hai bị can mang về: “Yến nuôi trong nhà loại bể vụn, bằng ngón tay, lẫn vụn nhỏ có kích cỡ 0,1 cm -10 cm các lọai, còn lông, màu trắng, chưa chế biến hàng mới 100%” có giá thông qua các tờ khai hợp pháp từ 70 USD/Kg đến 170 USD/Kg, tức khoảng 1.610.000 đồng/Kg đến 3.910.000 đồng/Kg.
Mức giá này phù hợp với mức giá hai bị can đã mua lô yến vụn này tại Indonesia (tính theo tiền Việt Nam) cũng chỉ khoảng 140 triệu đồng, bởi số yến vụn hai bị can mang về là hàng phế phẩm, đã bị xử lý mùi và thuốc tẩy, kích thước nhỏ và nhiều màu sắc trộn lẫn: màu ngà, màu nâu, màu đen, chỉ để dùng làm nguyên liệu tạt nhà yến chứ không dùng làm thực phẩm cho con người).
Ngoài ra, so sánh với kích thước của lô yến vụn hai bị can mang từ Indonesia về Việt Nam năm 2019 (trong kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự số 4431/KL-KTHS) có kích thước nằm trong khoảng từ 0.1 cm đến 10 cm, được quy vào mục yến loại 1 (yến có giá trị thấp nhất) trong các loại tổ yến mà một số doanh nghiệp nhập từ Indonesia về Việt Nam năm 2019, để sử dụng làm thực phẩm cho người.
Luật sư Thái Văn Chung thuộc Hãng luật Nguyên Giáp cho rằng: Theo như kết luận giám định số 4431/KL-KTHS của phân viện Khoa học hình sự TP.HCM ngày 30/08/2023, độ ẩm ở mẫu 1 (4431/1- mẫu 57 kg của Lễ mang về) là 20% và mẫu 2 (4431/2 – 30kg của Phương mang về) 16.6%, thì khi quy về kiệt ẩm 0%, thì tổng số là 45.6 kg + 25.02 kg =70.62 kg, đúng theo như độ ẩm mà cơ quan kiểm dịch tại sân bay Jakarta đã kiểm tra và xác nhận số lượng tổng là 70kg, có ghi nhận trong giấy kiểm dịch hàng hóa Sân bay Jakarta mà bị can Phương đã nộp cho Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thời điểm đó.
Về thành phần hóa học Sunfua dioxit (SO2) có trong thành phần của tổ yến của hai bị can là vì lô yến mà hai bị can nhập về là lô yến phế phẩm, đã qua xử lý mùi và thuốc tẩy, giá trị thấp, chỉ để dùng làm nguyên liệu tạt nhà yến chứ không dung làm thực phẩm cho con người.
Theo quy định thì thành phần Sunfua dioxit SO2 là thành phần nằm trong thuốc tẩy trắng, tất cả các thực phẩm tổ phẩm tổ yến con người sử dụng, lưu hành trên đất nước Việt Nam đều nghiêm cấm có thành phần này. Như vậy, lô yến vụn của hai bị can mang về đã là phế phẩm thì giá trị rất thấp.
Do đó, mức giá Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng để làm căn cứ buộc tội cho hai bị can là quá cao so với giá trị thực tế được các công ty nhập khẩu khai báo nhập khẩu hợp pháp từ Indonesia vào Việt Nam vào thời điểm giữa năm 2019 cùng thời điểm các bị can mang lô yến này vào Việt Nam. Trong đó, mức chêch lệch giá từ 382.85 USD/kg (tương ứng với 8.861.063 đồng/kg) đến 482.85 USD/kg (tương ứng với 11.175.563 đồng/kg) dẫn đến hai bị can bất lợi khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như đã nêu trên.